Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

BÀI DỰ THI 20-11

NỖI NHỚ TRƯỜNG XƯA
Hoa cau thơm ngào ngạt
Dẫu không rộn tiếng ve
Sợ chia tay chưa đến
Mà nhung nhớ đã về



Ôi âm thanh rộ ràng

Bên hàng hiên gió thổi
Giọng cô vang đầm ấm
Dắt các em vào đời



Thời ấu thơ đi qua

Có cô hiền bên cạnh
Để mãi hoa Cau thơm
Cho lòng bâng khuâng nhớ !
  
Huỳnh Thị Huyền Na

Bài dự thi 20-11

  Ký ức ngày khai trường

      Em còn nhớ như in cái ngày 5/9 – ngày mà người ta gọi là ngày tựu trường mà với em là ngày buồn vui lẫn lộn tràn đầy bỡ ngỡ.
     Được mẹ dắt tay đến trường trong bầu không khí nhộn nhịp, rộn ràng, em nhiều ngạc nhiên và lắm sợ hãi. Vừa bước chân vào xếp hàng bỗng nước mắt em tuôn ra, mặt mày đỏ gấc rồi chạy lại úp mặt vào lòng mẹ. Vừa lúc dó có một cô giáo chạy lại, tươi cười và hỏi:
  - Vì sao con khóc?
    Tôi vẫn sợ và nấp ra sau mẹ. Không yên lặng cô lại chào và nói với mẹ:
  - Chị yên tâm đi, để em dắt cháu vào lớp nhé!
    Thế là cô giáo cầm tay dắt em đến một phòng học rồi bảo:
  - Đây là phòng học của lớp 1/1 chúng ta. Lát nữa khai giảng xong em nhớ trở lại phòng số 2 này nhé!
    Bỗng có tiếng trống “Tùng tùng tùng” vang lên. Tôi hoảng sợ ôm chầm lấy cô. Cô xoa đầu, bảo:
  - Em đừng sợ, đó là tiếng trống trường đấy, em cùng cô ra xếp hàng để dự lễ khai giảng nhé!
    Em lúng ta lúng túng không biết đứng ở vị trí nào, lúc đó chỉ muốn được ở gần cô . Được nghe Thầy Hiệu Trưởng đọc diễn văn khai trường, được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ em như tự tin thêm một chút.
Ánh nắng ban mai lấn cả sân trường, buổi lễ nhanh chóng kết thúc . Em cố gắng lấy hết bình tĩnh để chạy ùa vào lớp . Sau đó cô giáo bước vào giới thiệu .
Cô tên là : Trần Thị A, năm nay lớp 1/1 các em được cô phụ trách nên hãy ngoan và vâng lời cô nhé . Thực sự bây giờ em mới hết run và không bận tâm gì nữa . Em dõi mắt chú ý lời căn dặn ân cần của cô . Rồi cô gọi từng bạn đứng lên giới thiệu tên và nói về ước mơ của mình .
Bạn A ước mơ làm cô giáo, bạn B ước mơ làm bác sĩ, bạn C ước mơ làm ca sĩ, Nghe giọng nói to, rõ ràng mẹ đứng ngoài hành lang ngạc nhiên vui mừng . Khi tiếng trống trường điểm một hồi cũng là lúc mẹ em bước vào bắt tay thành thật biết ơn cô giáo .
Thấm thoát đã qua sáu mùa khai giảng nhưng hình như ký ức này cứ ở mãi tâm trí em . Ký ức- Ký ức này mãi mãi là ký ức !.

                                                                                      Huyền Na – Lớp 6/5


Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11

            Cách đây trên 1/3 thế kỉ, tháng 8-1957, Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Vácsava (Ba Lan) đã thông qua bản Hiến chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm là Ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Nghị quyết của hội nghị đã được nhanh chóng phổ biến đến tất cả các trường học, các cơ quan quản lí giáo dục miền Bắc và đồng bào, giáo giới, học sinh miền Nam. Ngày 20-11-1958, Ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo được tổ chức lần đầu tiên trên miền Bắc nước ta.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền, được sự cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, các bậc cha mẹ học sinh, ngày 20-11 hàng năm đã được tiến hành trong cả nước. Ngày 20-11 dần dần khắc sâu vào trí nhớ, tình cảm của mọi người, trở thành hành động tự giác của mọi tầng lớp nhân dân, được tổ chức đều đặn hàng năm, mặc dù từ lâu trên thế giới không tổ chức Ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo nữa.
Ngày 20-11 ở nước ta trước tiên là ngày giáo viên, cán bộ ngành giáo dục biểu thị sự nhất trí hoàn toàn với đường lối cách mạng cách mạng của Đảng, với các chủ trương lớn của Nhà nước. Đó cũng là ngày động viên cổ vũ các thầy cô giáo thực hiện tốt đường lối và chủ trương giáo dục của Đảng và Nhà nước, là ngày biểu dương khen thưởng thành tích của các thầy giáo, cô giáo. Các em học sinh đã hưởng ứng ngày 20-11 hàng năm bằng những hoạt động tỏ lòng quý mến, biết ơn thầy giáo, cô giáo, cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức. Các bậc cha mẹ học sinh, các cấp chính quyền đoàn thể ở địa phương cũng nhân ngày này tổ chức thăm hỏi các giáo viên hoặc tổ chức trao đổi với các giáo viên về sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.
Ngày 20-11 xuất phát từ một nhiệm vụ quốc tế đã dần dần chuyển thành ngày hội truyền thống Nhà giáo Việt 
Nam.
Quyết định số 167-HĐBT ngày 28-9-1982 của Hội đồng Bộ trưởng lấy ngày 20-11 từ nay làm Ngày Nhà giáo Việt Nam dựa trên cơ sở thực tế của những ngày 20-11 đã qua, hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của các nhà giáo. Quyết định đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng, của Nhà nước về vị trí, vai trò của Nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội bảo vệ Tổ quốc. Để ghi nhận công lao, đề cao vị trí xã hội và động viên khuyến khích các nhà giáo, ngày 30-5 1985 Chủ tịch  Hội đồng Nhà nước đã kí lệnh công bố pháp lệnh quy định giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước cho các công trình thuộc lĩnh vực khoa học kĩ thuật, văn hoá nghệ thuật ... ( trong đó có các sách giáo khoa cho các trường học ) và Pháp lệnh quy định vinh dự nhà nước “Nhà giáo Nhân dân”, Nhà giáo ưu tú để tặng các cô nuôi dạy trẻ, giáo viên mẫu giáo, giáo viên phổ thông, giáo viên bổ túc văn hoá, giáo viên dạy nghể, cán bộ giảng dạy đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ... có thành tích xuất sắc. 



Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Ý NGHĨA NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10

Ngày phụ nữ Việt Nam là ngày mà lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, một đoàn thể quần chúng của phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai, nhằm đoàn kết, động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Đây cũng là lần đầu tiên, người phụ nữ Việt Nam được cầm lá phiếu bầu cử, tham gia các công tác chính quyền và xã hội, nắm giữ nhiều trọng trách trong bộ máy Nhà nước và các đoàn thể quần chúng.

85 năm qua, tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp hội ngày càng lớn mạnh, người phụ nữ Việt Nam yêu nước ngày càng có trí thức, có sức khỏe, càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng. Trải qua nhiều thăng trầm của xã hội, chị em luôn luôn thể hiện vai trò tích cực, đảm đang, với tấm lòng nhân hậu đã đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước.

Ngày 20/10 hàng năm được chọn là ngày phụ nữ Việt Nam, đó là sự ghi nhận của đất nước với những con người được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng :"Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang"

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

BÀI DỰ THI HÙNG BIỆN “CÂU CHUYỆN TÌNH HUỐNG ĐẠO ĐỨC VÀ PHÁP LUẬT”

BÀI DỰ THI HÙNG BIỆN “CÂU CHUYỆN TÌNH HUỐNG ĐẠO ĐỨC VÀ PHÁP LUẬT”
ĐỀ TÀI “ BÁO ĐỘNG TỘI PHẠM TRẺ LỪA ĐẢO QUA MẠNG”
Người dự thi: Nguyễn Lưu Ly Thảo
Lớp: 6/5
Trường: THCS Lý Tự Trọng
Từ xưa đến nay, Quảng Nam vốn tự hào là vùng đất hiếu học, những người con xứ Quảng đã nỗ lực vươn lên làm rạng danh cho quê hương mình. Nhưng cũng đáng buồn thay một bộ phận thanh thiếu niên hư hỏng, không lo học hành, chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng; vùng quê nghèo Duy Xuyên- Quảng Nam lại liên tiếp bị chấn động bởi hàng loạt vụ bắt giữ các nghi phạm lừa đảo qua mạng với tổng số tiền chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, nơi đây trở thành “thủ phủ”, là “ hang ổ” của lừa đảo qua mạng. Thực trạng này đáng báo động, làm cho gia đình, nhà trường, xã hội vô cùng lo lắng.
Cùng với sự phát triển vượt bậc của Khoa học – công nghệ thì xuất hiện các loại tội mới, các thủ đoạn của tội phạm càng tinh vi, nhiều kiểu lừa đảo như giả danh là “Ông chú Viettel”, hack facebook, lừa tin nhắn trúng thưởng qua điện thoại, qua mạng Zalo, Facebook, từ việc nộp thẻ mua hồ sơ để nhận giải xe máy hoặc tiền mặt đến hack nộp thẻ điện thoại di động…người bị lừa do lòng tham và do thiếu hiểu biết, nạn nhân tin tưởng liên hệ theo số điện thoại trên Website thì gặp các đối tượng này, họ yêu cầu nạn nhân thanh toán chi phí hồ sơ, vận chuyển hàng để dụ các nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản…còn bọn tội phạm công nghệ cao thì chỉ cần lừa 1/100 người thì coi như đã thành công.
Đối tượng phạm tội chủ yếu là thanh niên lẫn trẻ vị thành niên, thậm chí có trường hợp học sinh THCS cũng thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng.Tháng 1/2015, công an Hà Tĩnh đã phát hiện vụ lừa đảo qua mạng và bàn giao cho công an huyện Duy Xuyên để xử lý 2 học sinh Phạm Minh Tú, Lương Văn Bửu- cả hai đều là học sinh THCS, am hiểu công nghệ thông tin, đã lừa nạn nhân Phạm Thị Thủy ở Hà Tĩnh bằng tin nhắn trúng thưởng xe máy qua tin nhắn Zalo, chị Thủy tin là có thật nên nộp tiền theo yêu cầu, hướng dẫn của những người này để làm nộp lệ phí nhận giải…
Ngày 11/9/2015, công an Hà Nội vào tận Duy Xuyên, Quảng Nam để bắt giữ nhóm 9 nghi phạm để điều tra về hành vi lập 117 trang web để lừa đảo trên mạng Facebook, Zalo… chiếm đoạt 8,3 tỷ đồng của nhiều nạn nhân trên cả nước. Đầu tháng 10/2015, công an Đà Nẵng vừa bắt nhóm của Nguyễn Văn Trung ở Duy Xuyên chuyên lừa trúng thưởng để chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng.
Thực trạng này xảy ra một phần do lòng tham, sự thiếu hiểu biết của nạn nhân, phần lớn do các thanh thiếu niên này không lo học hành, có người lơ là việc học, có người bỏ học sớm, nghiện game, có người bỏ học chơi game, đến khi thiếu tiền thì nghe bạn bè lôi kéo, dụ dỗ để có tiền chơi tiếp. khi thấy kiếm tiền dễ quá thì tiếp tục lao vào, cứ thế người trước bày cho người sau. Cha mẹ thì lơ là, không quan tâm đến con cái học hành, giờ giấc sinh hoạt như thế nào…Chính vì sự không vâng lời thầy cô, cha mẹ, không chấp hành pháp luật, không coi trọng, không thực hiện các giá trị, chuẩn mực đạo đức của người công dân như đối với bản thân phải sống giản dị, trung thực, làm việc tốt, đối với công việc phải siêng năng, kiên trì; đối với cộng đồng phải tôn trọng học hỏi các giá trị tốt đẹp...nên dẫn đến việc những thanh thiếu niên này vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
Quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ bằng biều hình thức, biện pháp khác nhau, mọi người phải có nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác. Điều 32 Hiến pháp 2013 cũng tiếp tục ghi nhận quyền này:
1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhận hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hặc trong các tổ chức kinh tế khác.
2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.
3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, các nhân theo giá thị trường.
Do đó người nào thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng sẽ bị xử lý hình sự rất nghiêm khắc theo quy định tại tại Điều 226b Bộ luật hình sự về tội “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”
"1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm:
 a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
c) Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức,…
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm". Điều 12 Bộ luật hình sự quy định Người chưa thành niên từ 14 đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng; người từ đủ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Vì thế nếu người từ 14 tuổi trở lên lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng từ 200 triệu đồng trở lên là bị xử lý hình sự. Tuy nhiên việc xử lý người chưa thành niên phạm tội có nguyên tắc riêng, chủ yếu giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị phạt tù có thời hạn theo quy định Điều 74 sau đây:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Hậu quả của việc vi phạm trên vô cùng lớn, không những họ bị rơi vào vòng lao lý, ảnh hưởng đến tương lai của họ, mà làm cho nhà trường, gia đình, xã hội lo lắng, hoang mang, cha mẹ của họ phải đền bù thiệt hại cho nạn nhân…

Qua câu chuyện trên, chúng ta hãy cảnh giác để tránh là nạn nhân của những đối tượng lừa đảo qua mạng. Đối với những thanh thiếu niên phải làm tròn bổn phận của mình, chăm lo học hành để thầy cô, cha mẹ vui lòng, không đua đòi, không nghiện game, không nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu. Bác Hồ đã nói “ Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, “Tài” là tài năng, là kiến thức, “Đức” là những giá trị, chuẩn mực đạo đức.Do đó phải rèn luyện “Tài” và “Đức” để trở thành người có ích cho tương lai, xã hội.