Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

BÀI DỰ THI HÙNG BIỆN “CÂU CHUYỆN TÌNH HUỐNG ĐẠO ĐỨC VÀ PHÁP LUẬT”

BÀI DỰ THI HÙNG BIỆN “CÂU CHUYỆN TÌNH HUỐNG ĐẠO ĐỨC VÀ PHÁP LUẬT”
ĐỀ TÀI “ BÁO ĐỘNG TỘI PHẠM TRẺ LỪA ĐẢO QUA MẠNG”
Người dự thi: Nguyễn Lưu Ly Thảo
Lớp: 6/5
Trường: THCS Lý Tự Trọng
Từ xưa đến nay, Quảng Nam vốn tự hào là vùng đất hiếu học, những người con xứ Quảng đã nỗ lực vươn lên làm rạng danh cho quê hương mình. Nhưng cũng đáng buồn thay một bộ phận thanh thiếu niên hư hỏng, không lo học hành, chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng; vùng quê nghèo Duy Xuyên- Quảng Nam lại liên tiếp bị chấn động bởi hàng loạt vụ bắt giữ các nghi phạm lừa đảo qua mạng với tổng số tiền chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, nơi đây trở thành “thủ phủ”, là “ hang ổ” của lừa đảo qua mạng. Thực trạng này đáng báo động, làm cho gia đình, nhà trường, xã hội vô cùng lo lắng.
Cùng với sự phát triển vượt bậc của Khoa học – công nghệ thì xuất hiện các loại tội mới, các thủ đoạn của tội phạm càng tinh vi, nhiều kiểu lừa đảo như giả danh là “Ông chú Viettel”, hack facebook, lừa tin nhắn trúng thưởng qua điện thoại, qua mạng Zalo, Facebook, từ việc nộp thẻ mua hồ sơ để nhận giải xe máy hoặc tiền mặt đến hack nộp thẻ điện thoại di động…người bị lừa do lòng tham và do thiếu hiểu biết, nạn nhân tin tưởng liên hệ theo số điện thoại trên Website thì gặp các đối tượng này, họ yêu cầu nạn nhân thanh toán chi phí hồ sơ, vận chuyển hàng để dụ các nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản…còn bọn tội phạm công nghệ cao thì chỉ cần lừa 1/100 người thì coi như đã thành công.
Đối tượng phạm tội chủ yếu là thanh niên lẫn trẻ vị thành niên, thậm chí có trường hợp học sinh THCS cũng thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng.Tháng 1/2015, công an Hà Tĩnh đã phát hiện vụ lừa đảo qua mạng và bàn giao cho công an huyện Duy Xuyên để xử lý 2 học sinh Phạm Minh Tú, Lương Văn Bửu- cả hai đều là học sinh THCS, am hiểu công nghệ thông tin, đã lừa nạn nhân Phạm Thị Thủy ở Hà Tĩnh bằng tin nhắn trúng thưởng xe máy qua tin nhắn Zalo, chị Thủy tin là có thật nên nộp tiền theo yêu cầu, hướng dẫn của những người này để làm nộp lệ phí nhận giải…
Ngày 11/9/2015, công an Hà Nội vào tận Duy Xuyên, Quảng Nam để bắt giữ nhóm 9 nghi phạm để điều tra về hành vi lập 117 trang web để lừa đảo trên mạng Facebook, Zalo… chiếm đoạt 8,3 tỷ đồng của nhiều nạn nhân trên cả nước. Đầu tháng 10/2015, công an Đà Nẵng vừa bắt nhóm của Nguyễn Văn Trung ở Duy Xuyên chuyên lừa trúng thưởng để chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng.
Thực trạng này xảy ra một phần do lòng tham, sự thiếu hiểu biết của nạn nhân, phần lớn do các thanh thiếu niên này không lo học hành, có người lơ là việc học, có người bỏ học sớm, nghiện game, có người bỏ học chơi game, đến khi thiếu tiền thì nghe bạn bè lôi kéo, dụ dỗ để có tiền chơi tiếp. khi thấy kiếm tiền dễ quá thì tiếp tục lao vào, cứ thế người trước bày cho người sau. Cha mẹ thì lơ là, không quan tâm đến con cái học hành, giờ giấc sinh hoạt như thế nào…Chính vì sự không vâng lời thầy cô, cha mẹ, không chấp hành pháp luật, không coi trọng, không thực hiện các giá trị, chuẩn mực đạo đức của người công dân như đối với bản thân phải sống giản dị, trung thực, làm việc tốt, đối với công việc phải siêng năng, kiên trì; đối với cộng đồng phải tôn trọng học hỏi các giá trị tốt đẹp...nên dẫn đến việc những thanh thiếu niên này vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
Quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ bằng biều hình thức, biện pháp khác nhau, mọi người phải có nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác. Điều 32 Hiến pháp 2013 cũng tiếp tục ghi nhận quyền này:
1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhận hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hặc trong các tổ chức kinh tế khác.
2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.
3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, các nhân theo giá thị trường.
Do đó người nào thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng sẽ bị xử lý hình sự rất nghiêm khắc theo quy định tại tại Điều 226b Bộ luật hình sự về tội “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”
"1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm:
 a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
c) Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức,…
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm". Điều 12 Bộ luật hình sự quy định Người chưa thành niên từ 14 đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng; người từ đủ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Vì thế nếu người từ 14 tuổi trở lên lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng từ 200 triệu đồng trở lên là bị xử lý hình sự. Tuy nhiên việc xử lý người chưa thành niên phạm tội có nguyên tắc riêng, chủ yếu giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị phạt tù có thời hạn theo quy định Điều 74 sau đây:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Hậu quả của việc vi phạm trên vô cùng lớn, không những họ bị rơi vào vòng lao lý, ảnh hưởng đến tương lai của họ, mà làm cho nhà trường, gia đình, xã hội lo lắng, hoang mang, cha mẹ của họ phải đền bù thiệt hại cho nạn nhân…

Qua câu chuyện trên, chúng ta hãy cảnh giác để tránh là nạn nhân của những đối tượng lừa đảo qua mạng. Đối với những thanh thiếu niên phải làm tròn bổn phận của mình, chăm lo học hành để thầy cô, cha mẹ vui lòng, không đua đòi, không nghiện game, không nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu. Bác Hồ đã nói “ Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, “Tài” là tài năng, là kiến thức, “Đức” là những giá trị, chuẩn mực đạo đức.Do đó phải rèn luyện “Tài” và “Đức” để trở thành người có ích cho tương lai, xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét